Sáng ngày 28/5/2022, Mạng lưới nghiên cứu du lịch Việt Nam (VTR) đã phối hợp cùng Khoa Du lịch – Trường Đại học Hoa Sen tổ chức seminar số 3 trong chuỗi seminar chuyên đề năm 2022 với chủ đề “Kết nối giá trị di sản lịch sử – văn hóa đường sông: khu vực TPHCM và vùng phụ cận” do diễn giả là PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng Khoa Văn hoá học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trình bày.
Đến tham dự Seminar số 3 có sự hiện diện của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, nhiều học viên cao học và sinh viên đến từ các trường đại học có đào tạo về du lịch tại khu vực phía Nam như: Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học HUTECH, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Gia Định, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trường Đại học Quốc tế Sài gòn, Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm (HUFI)…Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp cũng có sự tham gia của nhiều quý khách là thành viên hội đồng quản trị của nhiều đơn vị như: New World Saigon Hotel, Viettourist, Salala Restaurant, Công ty TNHH Du lịch và vận tải đường thủy Sài Gòn, Công ty TNHH TMDV Gaby Golf… Điều này cho thấy sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên và doanh nghiệp về chủ đề du lịch đường sông tại địa bàn TPHCM và vùng phụ cận.
Trương Thị Hồng Minh, Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Hoa Sen – đại diện host cho seminar số 3 đã chia sẻ tầm quan trọng của hoạt động học thuật trong môi trường đại học hiện nay. TS. Minh cũng nhấn mạnh sự cần thiết của tổ chức như VTR trong mục tiêu hướng tới nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của người Việt Nam. Đấy cũng là mục tiêu mà Bộ Văn hoá – thể thao – du lịch đang quan tâm. Khoa Du lịch của trường Đại học Hoa Sen cũng rất chú trọng hoạt động học thuật này. Vì thế, Khoa đã rất vui mừng đón tiếp các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên từ nhiều đơn vị khác nhau đến tham dự.
Sau lời phát biểu chào mừng của TS. Trương Thị Hồng Minh, TS. Quảng Đại Tuyên, đồng sáng lập VTR phát biểu về mục tiêu, ý nghĩa của VTR cũng như lan tỏa thông điệp về sứ mệnh của VTR là mong muốn được kết nối với nhiều đơn vị cũng như thúc đẩy vấn đề nghiên cứu về du lịch tại Việt Nam.
Tiếp đến là phần trình bày của diễn giả đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ – hiện đang Trưởng Khoa Văn hoá học cũng là thành viên Ban cố vấn của VTR.
Với chủ đề trên, diễn giả đã trình bày nội dung bao gồm 4 phần: (1). Khái niệm & hướng tiếp cận về văn hoá – di sản, (2). Nguồn lực di sản – lịch sử – văn hoá tại TPHCM và vùng vụ cận, (3). Khảo sát và đề suất khai thác di sản – lịch sử – văn hoá sông Sài Gòn và vùng vụ cận, (4). Đúc kết những kết luận – đề xuất để phát triển.
Có thể nói rằng, diễn giả đã dẫn dắt người nghe đi ngược dòng lịch sử phát triển hàng trăm năm của vùng đất Đông Nam Bộ nói chung, khu vực sông Sài Gòn và vùng phụ cận nói riêng. Diễn giả đã trình bày rất chi tiết những nguồn lực từ tự nhiên cho đến lịch sử – văn hoá – xã hội để phát triển du lịch tại địa bàn nghiên cứu. Bản thân diễn giả cũng là người đang tham gia vào dự án phát triển du lịch đường sông Sài Gòn và vùng phụ cận cho nên Ông đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá, có tính thực tiễn cao, nhiều hình ảnh minh hoạ thú vị về thực trạng cũng như định hướng phát triển du lịch đường sông tại khu vực nghiên cứu. Diễn giả cũng đề xuất triết lý phát triển du lịch đường sông ở khu vực này cần hướng đến “thuận thiên, nhân văn, hội tụ”. Ngoài ra, liên quan đến việc quy hoạch xây dựng tuyến điểm du lịch gắn với đường sông, nhóm nghiên cứu của diễn giả cũng đã đề xuất 5 tuyến du lịch có thể đưa vào khai thác trong tương lai; trong đó tuyến số 1 & 2 có tính khả thi cao nhất nên có thể thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể:
- Tuyến 1: Nội ô TPHCM – sông Sài Gòn
- Tuyến 2: Bạch Đằng – Thủ Dầu Một – Củ Chi
- Tuyến 3: Bạch Đằng – Nhà Bè – Đảo Thiềng Liềng
- Tuyến 4: Bạch Đằng – Thủ Đức – Biên Hoà
- Tuyến 5: Bạch Đằng – Bến Lức – Tân Trụ – Cửa sông Soài Rạp
Nhìn chung, nội dung trình bày được diễn giả chuẩn bị rất công phu, cung cấp một lượng lớn kiến thức từ lý thuyết tới thực tiễn, giúp người tham dự thực sự được mở rộng thêm kiến thức về thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch đường sông tại khu vực sông Sài Gòn và vùng phụ cận. Hầu hết khách tham dự rất thích thú lắng nghe và thảo luận về chủ đề này.
Tiếp sau phần trình bày từ diễn giả là phần thảo luận dưới sự điều phố của TS. Võ Thị Nga (Đại học Hoa Sen), ThS. Lê Hoàng Phương Linh (Đại học Hoa Sen), TS. Nguyễn Văn Hoàng (VTR), TS. Quảng Đại Tuyên (VTR).
Vấn đề đầu tiên được đặt ra làm thế nào để vượt qua những rào cản về cơ chế chính sách trong phát triển du lịch đường sông. Ông Duy, đến từ Công ty TNHH Du lịch và vận tải đường thủy Sài Gòn đã nêu lên vấn đề liên quan đến các quy định về vận chuyển hành khách giữa đường sông và đường biển, chi phí vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực phục vụ loại hình du lịch đường sông…Vì hiện tại các quy định, chính sách chưa rõ ràng giữa vận tải đường sông và đường biển, chi phí vận hành khách bằng đường sông thường cao hơn đường bộ, kỹ năng của đội ngũ phục vụ du lịch đường sông còn nhiều hạn chế…
Cùng mối quan tâm, Cô Bê, đến từ Đại học Hoa Sen đặt câu hỏi liệu các phương tiện đi lại của người dân có ảnh hưởng gì đến vận tải khách du lịch trên sông không?; Trong khi đó, Bà Hạnh đến từ New World Saigon Hotel đề xuất việc nên xây dựng cẩm nang phát triển du lịch bằng đường sông cũng như cung cấp các thông tin về giá trị lịch sử – văn hoá của khu vực này.
Ngoài ra, anh Nam học viên cao học đến từ Đại học Nguyễn Tất Thành đặt vấn đề về vai trò của người dân trong việc phát triển du lịch đường sông như thế nào?, Làm thế nào để nâng cao tiếng nói của nhà khoa học trong việc bảo tồn di sản nói chung và di sản đô thị nói riêng?. Trước khi kết thúc phiên thảo luận, Ông Thắng, một hướng dẫn viên quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm nêu ra vấn đề hết sức quan trọng để phát triển du lịch đường sông ở TPHCM là cần phải có chính sách, chủ trương từ các cơ quan ban ngành. Chính sách cần phải đi trước, cơ sở hạ tầng cần phải sẵn sàng thì doanh nghiệp mới có thể tiến hành hoạt động du lịch một cách thông thoáng được. Vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng một chiến lược quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch đường sông khu vực TPHCM và vùng phụ cận.
Sau phiên thảo luận, TS. Võ Thị Nga sơ kết lại nội dung thảo luận trong seminar và TS. Nguyễn Văn Hoàng (VTR) cảm ơn và kết thúc buổi seminar cũng như giới thiệu kế hoạch cho seminar số 4 (dự kiến tháng 6) sẽ được tổ chức tại Đại học Kinh tế TPHCM.
Ban tổ chức VTR trân trọng cảm ơn trường đại học Hoa Sen, diễn giả và khách mời đã đồng hành cùng chúng tôi để buổi hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn BTC của Khoa Du lịch trường ĐH Hoa Sen đã chuẩn bị rất
Sau đây là hình ảnh của buổi Seminar số 3 ngày 28/5/2022 diễn ra tại ĐH Hoa Sen:
Ghi chú bản tin: Ban điều phối VTR.
Nguồn ảnh: Ban truyền thông HSU & Vũ Hiển