Bản tin Seminar số 1 “Công bố của người Việt Nam trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực du lịch

Chiều ngày 27/3/2022, Mạng lưới nghiên cứu du lịch Việt Nam (VTR) đã phối hợp cùng Khoa Quản trị du lịch – Nhà hàng- Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech) tổ chức một seminar trong chuỗi chuyên đề năm 2022 với chủ đề “Công bố của người Việt Nam trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực du lịch” do diễn giả TS. Nguyễn Văn Hoàng và TS. Quảng Đại Tuyên trình bày.

Đến tham dự Seminar số 1 có sự hiện diện của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhiều học viên cao học và sinh viên đến từ các trường đại học có đào tạo về du lịch tại khu vực phía Nam như: Đại học RMIT, Đại học Hutech, Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Hoa Sen… Điều này cho thấy sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trẻ về chủ đề công bố quốc tế trong lĩnh vực du lịch.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu cũng đặt ra một vài câu hỏi cho khách mời suy nghĩ về bức tranh công bố của người Việt Nam hiện nay:

  1. Nhà nghiên cứu Việt Nam đã hội nhập vào môi trường học thuật toàn cầu trong lĩnh vực du lịch như thế nào?
  2. Những công bố của tác giả người Việt trong lĩnh vực du lịch đang ở mức độ nào?
  3. Các hoạt động phối hợp nghiên cứu giữa các tác giả trong nước và quốc tế ra sao?
  4. Những lĩnh vực nào được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm công bố hiện nay?
  5. Các phương pháp nào được các nhà nghiên cứu chú trọng hiện nay?

Với những câu hỏi gợi mở này, nhóm diễn giả đã chỉ ra các mục đích của buổi seminar 1 này như sau:

  1. Tìm hiểu thực trạng công bố của tác giả người Việt Nam hiện nay
  2. Nhận diện các hướng tiếp cận trong việc công bố hiện nay của các tác giả Việt Nam.
  3. Nhận diện những điểm khuyết trong công bố của người Việt Nam hiện nay
  4. Gợi mở hướng tiếp cận công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong tương lai

 

Số lượng công bố của người Việt qua các năm (Quảng Đại Tuyên & Nguyễn Văn Hoàng, 2022)

Có thể thấy rằng, bức tranh công bố khoa học của các tác giả người Việt Nam trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực du lịch tăng rất đáng kể từ 2019-2021 nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Đa phần các tác giả có công bố quốc tế trong lĩnh vực này đã và đang được đào tạo, học tập hoặc đang làm việc tại nước ngoài. Điều này, đặt ra những câu hỏi lớn về vấn đề làm thế nào để nâng cao nội lực công bố cho các nhà nghiên cứu người Việt, đặc biệt là các nhà nghiên cứu đang làm việc tại Việt Nam.

Tiếp sau buổi chia sẻ kết quả nghiên cứu, VTR cũng mở rộng thảo luận về những thách thức về công bố của người Việt Nam hiện nay. Nhiều câu hỏi đến từ các giảng viên, và đặc biệt là các nghiên cứu sinh hiện đang làm luận án ở trong nước và quốc tế như:

  1. Theo kết quả báo cáo trên, học giả Việt Nam đa phần là sống ở nước ngoài, hiện nay có những chính sách nào hỗ trợ cho công bố của người Việt ở trong nước hay không?
  2. Tại sao tỷ lệ các bài nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế đa số theo phương pháp định lượng? Có phải nghiên cứu định lượng sẽ dễ được công bố hay không? Hay có lý do nào khác nữa?
  3. Hiện tại, không nhiều người ở SG tham gia buổi chia sẻ nghiên cứu thú vị và rất hay này, điều này cũng thể hiện sự thiếu lửa của nhiều người về nghiên cứu? Đây có lẽ cũng là 1 thách thức khi mỗi nhà nghiên cứu chưa bỏ thời gian đến dự? Hy vọng buổi seminar số tiếp theo bổ sung nhiều hình thức khác để tránh lãng phí tài nguyên.
  4. Nghiên cứu sinh cũng đang gặp vấn đề là không có người chỉ dẫn về công bố. Không biết bắt đầu như thế nào. VTR có định hướng gì để thúc đẩy việc công bố không?
  5. Việc “hiểu” về khái niệm phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng ở trong nước và cộng đồng học thuật có vẻ khác xa nhau. Có lẽ vì thế, các bài nghiên cứu của nhiều người không đáp ứng đúng mục tiêu của tạp chí quốc tế?
  6. Việc ngại tương tác với các nhà nghiên cứu có nhiều công bố có thể là một trở ngại? Việc công bố hiện nay không thể solo được mà phải có sự phối hợp với rất nhiều nhà nghiên cứu đến từ nhiều nơi khác nhau. Nếu không, khó mà có nổi nhiều công bố trong tương lai
  7. Quy chế về công bố của các nghiên cứu sinh có sự thay đổi, có khi nào điều này cũng cho thấy sự thụt lùi trong việc công bố của các nghiên cứu sinh ở trong nước hiện nay?

TS. Quảng Đại Tuyên kết thúc nội dung thảo luận bằng thông qua chia sẻ mục tiêu mà VTR đã đặt ra. “VTR đang đi từng bước cơ bản nhất để tạo một sân chơi học thuật không chỉ dành riêng các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, mà còn tạo động lực và nền tảng ban đầu cho các nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên….Công việc này đòi hỏi có sự chung tay của mỗi người đến tham dự ngày hôm nay và các đồng nghiệp ở trên khắp mọi nơi để thúc đẩy nội lực công bố của người Việt Nam, mang đến những cơ hội kết nối, hợp tác nghiên cứu và công bố. Công việc này rất cần sự chung tay của tất cả chúng ta“.

Cũng trong buổi Seminar này, có sự tham gia của GS. Eric Olmedo, thành viên của UNESCO Chair on Social Practices in Intercultural Communication and Social Cohesion. GS. Eric đã có chia sẻ về tiềm năng phối hợp nghiên cứu và công bố giữa các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Đồng thời, ông cũng kêu gọi sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong hoạt động phối hợp nghiên cứu trong tương lai.

GS. Eric Olmedo, thành viên của UNESCO Chair on Social Practices in Intercultural Communication and Social Cohesion

Ban tổ chức VTR trân trọng cảm ơn trường đại học Hutech, công ty Quang Minh travel, các diễn giả và khách mời đã đồng hành cùng chúng tôi để buổi hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.

Sau đây là hình ảnh của buổi Seminar số 1 ngày 27/3/2022 diễn ra tại ĐH HUTECH:

Quang cảnh buổi Seminar

Ths. Tăng Thông Nhân – Phó trưởng Khoa Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn ĐH Hutech đại diện phát biểu với tư cách là nơi host cho buổi seminar đầu tiên của VTR

 

Các đại diện nhận hoa lưu niệm từ BTC VTR & Hutech

 

Giám đốc công ty Du lịch Quang Minh – hy vọng sẽ tiếp tục đồng hành của VTR

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Nguyễn Thành Ngọc Thạch, 2022.