Chuyên đề Seminar lần thứ 4 trong Seminar Series năm 2022 do VTR tổ chức. Khoa Du lịch của trường Đại học Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) đăng cai tổ chức cho Seminar series #4 này.
Chủ đề: Nghiên cứu du lịch thông qua nội dung tạo bởi người trên mạng xã hội (UGC) bằng các kỹ thuật khai thác văn bản (Text-mining): Góc nhìn của Vlogger về du lịch chậm
- Diễn giả: TS. Lương Hà – Trường Kinh doanh NEOMA (Pháp)
- Chủ trì: PGS. TS. Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH)
- Điều phối: TS. Trần Cẩm Thi, Phó Trưởng khoa Công nghiệp Văn hoá, Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU)
Thông tin địa điểm và thời gian:
- Địa điểm: Phòng B4.09, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH), 475A Điện Biên Phủ, P25, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
- Thời gian: 8:00 – 11:00 ngày 06/08/2022
- Link đăng ký: https://bit.ly/3S5DCVg
VTR xin trân trọng kính mời quý đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, học viên cao học và sinh viên đến tham dự và thảo luận.
Tóm tắt Chủ đề:
Theo thống kê của Statista, hiện nay có khoảng 4,26 tỷ người tức hơn một nửa dân số thế giới sử dụng mạng xã hội; chỉ tính riêng Facebook ước tính mỗi phút có 4,000,000 mảng nội dung được người dùng đăng tải. Nội dung tạo bởi người dùng mạng xã hội (user-generated content hay UGC, bao gồm bài viết, videos, reviews, bình luận, v.v…) là một mỏ dữ liệu khổng lồ, là ưu thế thời đại giúp các nhà nghiên cứu khoa học xã hội tiếp cận được với nhiều khách thể hơn so với các phương pháp thu thập dữ liệu truyền thống. UGC giúp khám phá bản chất của các hiện tượng tâm lý xã hội, nhu cầu và trải nghiệm của người tiêu dùng, phản ứng của cộng đồng trước những sự kiện. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một loạt những bài toán khó khác: làm sao để thu thập, phân tích và sử dụng mỏ dữ liệu khổng lồ này? Với đặc tính phi cấu trúc của UGC, làm thế nào để xác định mối quan hệ có ý nghĩa giữa các nhóm dữ liệu?
Từ những trăn trở đó, khái niệm ‘text mining’ (kỹ thuật khai thác văn bản) đã ra đời cùng với những công cụ hỗ trợ text mining như Leximancer, hiện đang được đông đảo giới nghiên cứu quan tâm. Nhận thức được xu hướng, nhu cầu và tầm quan trọng của kỹ năng text mining vào hoạt động nghiên cứu học thuật hiện đại nói chung và du lịch nói riêng, Vietnam Tourism Research hân hạnh mang đến bạn hội nghị chuyên đề: “Nghiên cứu du lịch thông qua nội dung tạo bởi người trên mạng xã hội (UGC) bằng các kỹ thuật khai thác văn bản (Text-mining): Góc nhìn của Vlogger về du lịch chậm”, với diễn giả khách mời TS. Lương Hà
Thông tin diễn giả:
TS. Lương Hà là giảng viên Trường Kinh doanh NEOMA (Pháp), giảng dạy đại học và sau đại học các môn Hành vi người tiêu dùng, Marketing Dịch vụ và kỹ thuật số. Các chủ đề ông quan tâm nghiên cứu bao gồm hình ảnh điểm đến; hành vi của khách du lịch; trải nghiệm dịch vụ; hành vi của người tiêu dùng trực tuyến thông qua việc sử dụng các phương pháp hỗn hợp, phân tích nội dung người dùng (UGCs), dữ liệu lớn trong marketing. Trong nghiên cứu gần đây nhất, ông đã thực hiện các công trình về nhận thức của người dùng mạng xã hội (YouTube, Twitter, Facebook..) về các hiện tượng du lịch và hành vi tiêu dùng mới (Slow Tourism – Du lịch chậm, Regenerative tourism – Du lịch tái tạo, Sustainable Consumption – Du lịch bền vững, Metaverse music concert – Biểu diễn âm nhạc trên nền tảng Metaverse) và thái độ của người tiêu dùng đối với robot phục vụ trong ngành dịch vụ (khách sạn, bệnh viện trường học..). Ông đã có nhiều công trình công bố về các chủ đề này trên nhiều tạp chí danh tiếng trên thế giới, đặc biệt là trên tạp chí Tourism Management – tạp chí nằm trong top 1 hiện nay trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, ông còn là chuyên gia tư vấn phát triển du lịch, marketing điểm đến và xây dựng thương hiệu địa phương.
Trong buổi hội nghị này, diễn giả sẽ tập trung giới thiệu về một số kỹ thuật thu thập và phân tích dữ liệu UGC; tiềm năng và hạn chế của phân tích nội dung (content analysis with text mining) với big data trong nghiên cứu học thuật. Cụ thể, ở bài nghiên cứu về du lịch chậm, phụ đề các video Youtube tạo bởi các vlogger được tác giả phân tích bằng kỹ thuật khai thác văn bản (text mining) trên phần mềm Leximancer nhằm tìm ra cấu trúc và các chiều kích của trải nghiệm du lịch chậm. Từ đó đưa ra định nghĩa và nội hàm về khái niệm của hành vi du lịch mới này.
Thông tin Khoa Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn của trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH):
Khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn được thành lập vào tháng 8 năm 2014 dựa trên cơ sở 03 ngành Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn tách từ Khoa Quản trị kinh doanh. Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn là lĩnh vực thu hút nhân lực và giàu triển vọng hàng đầu trong nền kinh tế hiện nay, được mệnh danh là ngành “công nghiệp không khói”.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong đào tạo các ngành thuộc khối ngành Quản trị dịch vụ, cùng với định hướng đúng đắn của Nhà trường và những đóng góp tích cực của tập thể cán bộ – giảng viên – nhân viên, Khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn không ngừng lớn mạnh tiếp tục đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao.
Gắn liền với tôn chỉ “Tri thức – Đạo đức – Sáng tạo”, HUTECH thực hiện Triết lý giáo dục ” Học cách học, học để làm, học để sáng tạo, học để cùng chung sống và học để tự lập”, đây cũng là giá trị cốt lõi để đưa HUTECH phát triển và xác lập vị trí là trường ĐH hàng đầu trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đào tạo sinh viên phát triển toàn diện kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, năng động – bản lĩnh – tự tin hội nhập với cộng đồng quốc tế, đảm nhận tốt công việc trong môi trường đa lĩnh vực, đa văn hoá.
Hiện tại, Khoa đào tạo các trình độ: Thạc sĩ, Đại học (hệ Chính quy, Liên thông)
Link: https://www.hutech.edu.vn/khoaqtnhks